Mỗi người được tạo ra từ trứng của mẹ và tinh trùng của cha, là một cá thể duy nhất với một bản chất di truyền riêng biệt.
Mỗi lần xuất tinh của nam giới có khoảng 280 triệu tinh trùng trong 2-5 ml tinh dịch nhưng chỉ có một tinh trùng gặp một trứng để tạo thành bào thai - một sự chọn lọc gắt gao của tạo hóa.
Chặng 1 (Xuất phát) Âm đạo là một hành lang rộng mở sát bên niệu đạo, rất dễ bị nhiễm trùng nên phòng vệ bằng môi trường axit. Trong 280 triệu tinh trùng đó, có 60-80 triệu tinh trùng tồn tại được trong môi trường axit của âm đạo để đến được cổ tử cung.
Chặng 2 (Vượt chướng ngại vật) Cổ tử cung chứa chất nhày làm tinh trùng di chuyển trơn trợt dễ bị té. Chỉ có khoảng 100.000 tinh trùng qua được hàng rào chất nhày của cổ tử cung vào được trong lòng tử cung.
Chặng 3 (Tăng tốc) Tinh trùng với tốc độ 5mm trong một phút thì cần khoảng 10 phút mới bơi qua được hết chiều dài tử cung. Tại đây tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch nhận ra tinh trùng là kẻ lạ nên tìm sức tiêu diệt. Chỉ có 200 tinh trùng chiến thắng được sự phòng thủ của lòng tử cung đến được ống dẫn trứng.
Chặng 4 (Về đích) Tại ống dẫn trứng 200 tinh trùng này có đến ba ngày thi thố tài năng cạnh tranh nhau để bơi qua 10cm ống dẫn trứng, với vận tốc 3mm/h. Để rồi chỉ có một tinh trùng gặp được trứng.
Tinh trùng nào mạnh nhất, dẻo dai nhất sẽ bám lên bề mặt trứng, giải phóng ra enzyme có trong đầu của tinh trùng giúp phân giải lớp bọc bảo vệ trứng. Mặt khác trứng đáp lại bằng cách "khóa chặt khuê phòng", giải phóng ra enzyme không cho tinh trùng khác đi vào. Hai mầm sống gặp nhau, hòa hợp chất liệu di truyền với nhau, tạo thành hợp tử. Hợp tử di chuyển qua ống dẫn trứng trở lại tử cung, làm tổ và hình thành thai nhi.
Ảnh minh họa: sheknows
Sự hình thành và phát triển của thai nhi
Trứng kết hợp với tinh trùng tạo thành hợp tử - cơ thể chúng ta bắt đầu từ một tế bào như vậy. Hợp tử tiếp tục phân chia và biệt hóa. Trong quá trình phân chia, phôi đi ngược trở lại tử cung để làm tổ.
Từ lúc thụ tinh đến khi 8 tuần tuổi gọi là giai đoạn phôi. Khi phôi được 8 tuần tuổi, phôi đã có hình dáng rõ nét của con người với khuôn mặt, các chi, vân tay, các cơ quan cơ bản, hình thành xương và các cử động tự phát. Trái tim đã đập những nhịp đập đầu tiên từ lúc phôi được 4 tuần tuổi.
Từ tuần thứ 8 được gọi là giai đoạn thai nhi. Lúc này thai có kích thước cỡ trái nho và có 32 tuần sau đó để tăng trưởng về kích thước, trọng lượng, phát triển các cơ quan đủ trưởng thành để có thể duy trì được sự sống sau khi tách ra khỏi người mẹ.
Tuần thứ 11: Con có thể gập các cổ tay và ngón chân để đáp ứng với các kích thích.
Tuần thứ 14: Con đã biết mút ngón tay cái, biết hít thở, biết nuốt.
Tuần thứ 19: Móng tay đã mọc dài, da được phủ một lớp lông tơ và được bao phủ một lớp bã nhờn để bảo vệ da không tiếp xúc với dịch ối.
Tuần thứ 22: Hầu hết các hệ cơ quan đã phát triển đầy đủ để sẵn sàng rời khỏi bụng mẹ. Tuy nhiên hai lá phổi của con vẫn chưa trưởng thành để hít thở không khí bên ngoài.
Tuần thứ 25: Con đã nhạy cảm với những âm thanh trong cơ thể mẹ, tiếng đập của tim mẹ, tiếng máu mẹ chảy, tiếng nhu động ruột của mẹ và con đáp ứng lại bằng cách gia tăng các cử động mà mẹ cảm nhận như những cú đá. Con cũng biết dừng lại khi mẹ vuốt ve bụng mình.
Tuần thư 26: Con đã mọc lông mi và lông mày.
Tuần 28: Con đã mở mắt trong bụng mẹ.
Tuần 30: Nhịp tim con chậm lại, con đã biết hít thở những hơi thở đầu tiên trong bụng mẹ.
Tuần 35: Da con đã hồng hơn, biết cựa quậy dù không gian trong bụng bẹ hạn hẹp, hai mắt đã biết chớp.
Tuần 40: Con đã trưởng thành hoàn toàn và chiếm hết không gian trong bụng mẹ, sẵn sàng rời khỏi lòng mẹ và đương đầu với thế giới bên ngoài.
Con chào đời
Dây rốn dài khoảng 50 cm, nối nhau thai với đứa bé, cho phép các chất dinh dưỡng, oxy lưu thông từ mẹ sang thai và thu các chất thải từ thai về mẹ. Dây rốn sẽ bị cắt sau khi đứa bé sinh ra, chừa lại 2-3 cm dính vào rốn đứa bé. Cuống rốn sẽ từ từ khô và teo lại, tự rụng đi sau 1-3 tuần và để lại một cái rốn trong cơ thể. Ngoài ý nghĩa về mặt sinh học, rốn còn nhắc nhở chúng ta về tình mẫu tử thiêng liêng, khi chúng ta được nâng niu và nuôi dưỡng từ máu của mẹ ở những ngày còn trong bụng mẹ.
Bốn tuần đầu tiên trong giai đoạn đứa bé được gọi là giai đoạn sơ sinh, thời kỳ này có nhiều thay đổi và thích nghi. Đây cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc đời vì tỷ lệ tử vong cao hơn bất cứ giai đoạn nào khác.
Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy VnExpress.Net