Các bố mẹ ở nhà chơi với con nhớ để ý nhé. Nhiều khi người lớn vô ý đùa giỡn quá chớn với bé mà không lường trước được hậu quả nguy hiểm cho não, có thể để lại những di chứng nặng nề cho con về sau đấy các mom ạ.
Vào ngày 25/11 vừa qua, ông bố trẻ Mason Kamrowski 20 tuổi ở Mỹ đã bị toà kết án 22 năm tù vì tội làm chết con gái Brynley Rachelle Rymer (5 tháng tuổi).
Theo đó, vào hồi tháng 5/2018, Mason cùng với cô bé đùa giỡn trong khi mẹ của cô bé đang đi siêu thị mua sắm vật dụng cho gia đình. Được biết, Mason không phải là cha ruột của Rymer.
Sau khi trở về nhà, mẹ của Rymer đã phải đưa con đến bệnh viện Altru. Các bác sĩ cho biết bé gái bị ba cơn đau tim và hai lần đột quỵ trên đường đến bệnh viện, trước khi chết vào ngày hôm sau.
Bé gái 5 tháng tuổi qua đời vì sự bất cẩn của người lớn (Ảnh: Bemidjipioneer.com)
Sau cái chết bất thường của Rymer, cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân tử vong của cô bé. Theo báo cáo, đây là một vụ án "giết người". Luật sư Andrew Eyre nói rằng Rymer chết vì chấn thương sọ não.
Trước khi phải nhập viện, Rymer đã bị cha dượng của cô bé rung lắc nhiều lần khiến não bộ tổn thương và gây ra hàng loạt các tai biến nghiêm trọng như vậy.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, đa số hội chứng rung lắc gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, trong đó, tỉ lệ mắc hội chứng lắc xảy ra cao nhất ở trẻ nhũ nhi (0-6 tháng tuổi). Ở trẻ sơ sinh, kích thước đầu và trọng lượng chiếm khoảng 1-4 so với toàn cơ thể. Trong đầu, có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển.
Người cha đã bị nhận án 22 năm tù (Ảnh: Inforum)
Não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.
Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ.
Để phòng ngừa những nguy hiểm do hội chứng này, Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương khuyến cáo, tuyệt đối không được đung đưa mạnh đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 0-6 tháng. Bởi những tổn thương không chỉ xảy ra trong thời điểm hiện tại mà có thể ảnh hưởng về lâu dài.
Nguồn: dantri.vn.