Làm từ thiện ngoài cái tâm, còn phải có sự tinh tế. Bởi làm tốt là một chuyện, làm đúng, đủ lại là chuyện khác.
Những ngày qua, đoạn video ghi cảnh một cô gái chừng 15-16 tuổi xếp hàng trước cây “ATM gạo” ở TP.HCM để nhận đồ từ thiện nhưng tới lượt bị từ chối khiến mọi người cảm thấy xót xa.
Nói với Zing, anh Nghĩa Phạm - người từng phát hiện và giúp đỡ “cậu bé xếp dép” Nguyễn Danh Thành Đạt năm 2017 - cho biết cảm thấy buồn vì cách hành xử từ người thuộc ban tổ chức, cũng như người quay lại cảnh đó và phát tán khắp mạng xã hội.
“Nhiều khi lúc đó do người tới nhận gạo đông quá, người tổ chức làm thế có thể vì mong muốn đưa phần gạo đến đúng người cần. Tuy nhiên, cách nói trên loa, quay clip lại gây hại cho cô bé đó quá. Có lẽ họ không có ác ý nhưng làm không tế nhị”, anh nói.
Từ đó, anh Nghĩa khẳng định: “Làm từ thiện thời nay khó lắm!”.
Theo anh, làm từ thiện ngoài cái tâm, còn phải có sự tinh tế. Bởi làm tốt là một chuyện, làm đúng, đủ lại là chuyện khác.
Câu chuyện cô gái (áo đen) bị từ chối cho nhận gạo ở cây ATM từ thiện tại TP.HCM gây xôn xao những ngày qua. Ảnh cắt từ clip.
“Xử lý không khéo, việc tốt lại hoá thành việc xấu”
Theo anh Nghĩa Phạm, làm từ thiện phải đúng người, đúng việc bởi số tiền bỏ ra cũng là mồ hôi, công sức của mình. Điều quan trọng nằm ở khâu tổ chức.
Bên cạnh đó, thái độ khi đi làm từ thiện cũng rất quan trọng. Nếu xử lý không khéo, làm việc tốt lại hoá thành việc xấu.
"Thứ được cho đi là 1-2 kg gạo, tức là phần ăn cho ít người. Người nào thật sự cần mới kiên nhẫn đứng xếp hàng thời gian lâu như vậy để nhận về chừng đó. Nếu cảm thấy băn khoăn, người tổ chức có thể khéo léo ra trao đổi riêng với người tới nhận, không cần phải nói lên loa".
“May là cô bé đó có nghị lực, chứ bỗng nhiên hình ảnh bị phát tán, họ chịu sức ép nặng nề quá mà hành động dại dột thì sao? Đó là điều rất nặng nề”, anh Nghĩa nói.
Trước đó, theo anh Nghĩa, một người bạn của anh cũng thường nhận được ý kiến trái chiều khi sẵn sàng thẳng tay đuổi những kẻ nghiện, giang hồ trà trộn vào xếp hàng để tranh giành suất ăn với những bệnh nhân nghèo.
Nếu chỉ nhìn hành động, nhiều người không hiểu, đi ngang qua thường nói: “Làm từ thiện sao lại hung hăng”. Tuy nhiên, sự hung hăng này để mong đưa những phần cơm đến đúng những người cần.
Thái độ khi làm từ thiện của ông có thể không làm hài lòng tất cả, nhưng với những người thật sự cần giúp đỡ, họ chắc chắn cảm thấy tốt hơn khi có được sự hỗ trợ cần thiết.
Anh Nghĩa Phạm (trái) là người đầu tiên chia sẻ hình ảnh cậu bé Nguyễn Danh Thành Đạt xếp từng đôi dép của những người không quen gọn gàng vào năm 2017. Anh sau đó trở thành bố nuôi của bé Đạt và đứng ra hỗ trợ mẹ con em. Ảnh: Nghĩa Phạm.
Đừng vì sợ “thương nhầm” mà không dám sẻ chia
Với tâm thế của một người đứng ra giúp đỡ mẹ con “cậu bé xếp dép” Nguyễn Danh Thành Đạt từ cách đây 3 năm, anh Nghĩa Phạm cho rằng khi muốn làm từ thiện, mỗi người nên đầu tư tìm hiểu về đối tượng muốn giúp với mong muốn họ đi đúng hướng, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Anh quan niệm làm từ thiện ngoài cái tâm, còn phải có sự tinh tế.
Bản thân khi mới phát hiện ra bé Đạt, anh Nghĩa không lập tức giúp đỡ em. Anh có những băn khoăn riêng khi nhìn từ vụ việc năm 2010, một cậu bé khác - Hào Anh - bị chủ đầm tôm bạo hành dã man và nhận được gần 800 triệu đồng hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
Với số tiền từ thiện lớn, nhưng thiếu hướng dẫn quản lý và sử dụng đúng cách, chỉ sau 4 năm, Hào Anh tiêu hết số tiền này. Thậm chí, vì thiếu sự quan tâm, giáo dục cần thiết, cậu còn bị bắt do vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, anh cho rằng đồng tiền khi làm từ thiện không bền, thậm chí có thể làm hại người khác.
“Với bé Đạt, tôi gần như không quyên góp tiền. Chỉ có cô hiệu trưởng giúp bé đi học, một công ty cho mẹ bé công việc, chăm sóc dinh dưỡng cho 2 mẹ con. Thay vì cho tiền, mình tạo công ăn việc làm cho họ và dõi theo, mong họ đi đúng hướng”, anh Nghĩa nói.
Tương tự, trước khi giúp đỡ ai đó, anh Nghĩa khuyên mọi người nên hiểu về họ và linh động về cách làm, suy nghĩ làm sao đừng để họ sinh hư, mà vẫn tạo nên sự gắn kết.
Ở trường hợp cô gái bị từ chối ở cây “ATM gạo”, anh cho rằng điều cô gái muốn chỉ đơn giản là bữa cơm đầy đủ hơn trong những ngày dịch, sống một cuộc đời tốt hơn trong tương lai, chứ không phải là cuộc sống bị xáo trộn, hay lời nói, gương mặt xuất hiện trên khắp mạng xã hội.
Người ta vẫn nói: “Của cho không bằng cách cho”. Món quà của người làm từ thiện chỉ thật sự ấm áp khi được cho đi đúng cách, tới đúng người cần được giúp đỡ.
Việc làm từ thiện vốn là chuyện không tuân theo quy định hay nguyên tắc nào cả. Bởi vậy, không ai chắc chắn rằng hành động của mình là một sự giúp đỡ sáng suốt.
Nhưng dù ở góc độ nào, việc làm từ thiện cũng đều mang tính nhân văn. Vì vậy, đừng vì sợ “thương nhầm” mà không dám sẻ chia, đừng vì một vài cá nhân lợi dụng từ thiện để trục lợi mà không vào cuộc chung tay chia sẻ với những mảnh đời khó khăn.
Nguồn: zing.vn.