Anh và chị lấy nhau trong sự ngỡ ngàng của nhiều người bởi gia đình hai bên khá chênh lệch. Gia đình anh là dân trí thức, lại có công ty riêng về in ấn, trong khi đó, gia đình chị thuần là nông dân, quanh năm chỉ biết cày cấy. Anh chị em bên nhà chị cũng chỉ làm nông. Chị là người duy nhất may mắn được học hành và có công việc tử tế. Ngày đưa anh về ra mắt, chị đã thấy nhiều cái nhíu mày của anh. Sau lần đó, chị cũng do dự, nhưng anh thấy thế thì nói rằng, anh không chê gia đình chị nghèo, bởi anh cũng quá giàu rồi, không cần tiền bên nhà vợ để làm gì cả.
Thế mà trong ngày cưới, chị đã phải nhận lấy ánh mắt khinh thường của gia đình anh. Trong khi mẹ anh ăn diện lộng lẫy, mẹ chị lại vụng về nắm tà áo dài màu hoa cà hơi cũ bước lên sân khấu. Anh thấy thế thì bảo chị: “ Sao em không lấy tiền của anh may cho mẹ bộ áo dài mới? Cả đời cưới một lần mà ăn diện quê mùa quá, khách thì toàn khách sang…”. Chị nghe vậy thì ứa nước mắt. Không phải là chị không đưa mẹ tiền may quần áo mới, nhưng hôm rồi nhà chị có việc, mẹ chị đã dùng số tiền đó để chi tiêu.
Lấy nhau xong, anh chị ở riêng. Chị có bầu, muốn đón mẹ lên chăm thì anh phẩy tay: “Thôi, anh không muốn có thêm một người lạ chen vào cuộc sống của vợ chồng mình”. Chị nghe mà điếng người, thì ra từ bấy đến nay chồng chị luôn xem mẹ vợ là người lạ. Những lần mẹ chị lên chơi, anh đều khó chịu ra mặt, nhất là khi thấy mẹ vợ cứ long nga lóng ngóng, không biết dùng các đồ gia dụng tiện nghi.
Lâu dần, anh không còn giữ ý tứ nữa, anh cứ mặc nhiên thể hiện thái độ coi thường nhà vợ. Nếu ai hỏi gốc gác của chị, anh chỉ cười khẩy rồi bảo: “Cả nhà cô ấy làm nông ở quê, làm cả năm chẳng bằng tôi làm một ngày”. Anh cứ mặc nhiên làm tổn thương chị bằng những lời nói cay nghiệt.
Cho đến khi chị sinh con, chị nhất quyết đón mẹ lên ở cùng, phần vì muốn mẹ chăm, phần vì muốn mẹ được hưởng thụ cuộc sống sung sướng hơn. Nhưng có lẽ, chị đã nhầm. Những ngày mẹ chị sống cùng là những ngày chị thấy tủi nhục. Anh liên tục cáu gắt, la lối khi mẹ chị làm hỏng một vật gì đó. Những lần như thế, đương nhiên anh còn nói thêm giá tiền đắt đỏ để cho mẹ vợ biết được giá trị của món đồ mà bà đã làm hỏng.
Chị buồn lắm, nhưng chị không biết làm cách nào vì một bên là bố mẹ, một bên là chồng. Dù khinh thường nhà ngoại nhưng anh lại là người thương vợ con, không bao giờ tiếc bất cứ điều gì với chị. Đến mức, nhiều khi chị cũng thấy kỳ lạ với cách cư xử của anh.
Hôm đó, mẹ chị kiên quyết đòi về quê. Hỏi ra mới biết, lúc chiều bà đã làm hỏng cái máy giặt trị giá 15 triệu. Mẹ chị bảo, bà ở đây chẳng làm được gì, chỉ phá hoại thêm rồi làm con khó xử này nọ. Chị thì biết, nguyên nhân sâu xa vẫn là do cách chồng chị cư xử. Có lần, anh còn nói thẳng: “Tôi lấy vợ nhưng chưa một lần được nhờ nhà vợ một cái gọi là”.
Rồi bỗng dưng gia đình anh bị phá sản vì kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất. Họ hàng n hà anh quay lưng vì không muốn dính líu gì cả. Chị ngày nào cũng phải nghe điệp khúc của anh: “Nếu tôi lấy vợ giàu thì giờ này đã được hỗ trợ chút ít rồi. Số tôi đúng là số khổ”. Tức nước vỡ bờ, dù thương chồng nhưng chị quyết định phải dạy cho anh một bài học nhớ đời.
Chị rút hết tiền trong sổ tiết kiệm riêng của mình rồi gói vào một phong bì. Đoạn chị nhờ người viết một bức thư với nội dung, đây là số tiền bố mẹ chị bán đất để giúp anh gỡ gạc nợ nần. Ngày anh nhận được phong bì tiền với lời nhắn nhủ của “bố mẹ vợ”, anh đã cực kỳ kinh ngạc. Chị thì nói rằng, bố mẹ em tuy nghèo vật chất nhưng ông bà chưa bao giờ nghèo về tình cảm. Dù anh có lâm vào tình cảnh trắng tay hay bi đát hơn nữa, ông bà vẫn xem anh là con rể.
Giây phút đó, chị thấy anh cúi mặt xuống đất. Chị biết anh đang hối hận vì suốt thời gian qua mình đã coi khinh nhà ngoại.
Theo Tịnh Yên/MTG