Sáng sớm nay 15-4, Bộ Y tế thông báo có thêm 1 ca bệnh từ ổ dịch Hạ Lôi, Hà Nội. Đây là ca bệnh thứ 13 từ ổ dịch này và là ca thứ 267 ở Việt Nam.
Nhân viên y tế khử trùng thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội), nơi có hơn 10.000 nhân khẩu và đã ghi nhận 13 ca COVID-19 - Ảnh: TTXVN
Theo đó bệnh nhân 267 là nam, 46 tuổi, xóm Hội, thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội, là bố của bệnh nhân 257, chồng của bệnh nhân 258 và có tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 tại nhà ngày 20-3.
Ngày 8-4, ông được cách ly tập trung tại Hà Nội. Ngày 13-4 ông khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau rát họng, đau người, được lấy mẫu bệnh phẩm.
Xét nghiệm ngày 14-4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, ngoài 169 bệnh nhân đã khỏi bệnh/được ra viện, hiện còn 13 ca bệnh có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2; 8 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch quốc gia cũng thông báo về Tuyên bố Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19, sau phiên họp trực tuyến chiều 14-4 của lãnh đạo các nước ASEAN do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
Theo đó, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ ASEAN đã bày tỏ lo ngại trước sự lây lan nhanh của đại dịch, sự tiếc thương trước những mất mát về tính mạng và khó khăn do dịch bệnh gây ra trên toàn cầu, đồng thời khen ngợi nhân viên y khoa, đội ngũ chống dịch ở tuyến đầu.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng tái khẳng định quyết tâm và cam kết, trên tinh thần một ASEAN "Gắn kết và chủ động thích ứng", duy trì đoàn kết và cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực, đồng thời cho biết từng quốc gia ASEAN đang có những biện pháp kịp thời trong giải quyết dịch bệnh.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí sẽ tăng cường hợp tác nhằm cung ứng đầy đủ thuốc điều trị, vật tư và trang thiết bị y tế thiết yếu, bao gồm công cụ chẩn đoán, thiết bị bảo hộ cá nhân... khuyến khích thành lập kho dự trữ vật tư y tế của khu vực cho tình huống khẩn cấp.
Nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh ở cấp quốc gia và khu vực, bao gồm thành lập mạng lưới các chuyên gia về y tế về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp thời gian tới, tăng cường năng lực của các mạng lưới ứng phó các tình huống khẩn cấp sẵn có của ASEAN, như Mạng lưới Trung tâm vận hành trong tình huống khẩn cấp ASEAN, Trung tâm đánh giá và trao đổi thông tin về rủi ro ASEAN, Trung tâm ảo BioDiaspora của ASEAN (ABVC) và Trung tâm điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (AHA), nhằm chuẩn bị cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp trong tương lai.
Đồng thời ưu tiên an sinh của người dân trong nỗ lực tập thể của ASEAN phòng chống dịch COVID-19 và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho công dân của các quốc gia thành viên ASEAN bị ảnh hưởng bởi đại dịch tại các quốc gia thành viên hoặc nước thứ ba; khuyến khích triển khai hiệu quả Tài liệu hướng dẫn của ASEAN về hỗ trợ khẩn cấp của cơ quan ngoại giao ASEAN tại nước thứ ba cho công dân ASEAN trong tình huống khủng hoảng.
Nguồn: tuoitre.vn.