Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết vaccine ngừa COVID-19 đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa 2 liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Tuy nhiên, trong trường hợp thời gian tiêm chậm hơn so với quy định của Bộ Y tế thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu.
Cán bộ y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn
Không cần tiêm lại từ đầu nếu tiêm mũi 2 chậm
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa 2 liều tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất), cụ thể như vaccine AstraZeneca, mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần; Vaccine Sputnik-V, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; Vaccine Vero Cell mũi 1 cách mũi 2 từ 3- 4 tuần; Vaccine Moderna, mũi 1 cách mũi 2 khoảng 4 tuần.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người phản ánh rằng họ được tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được tiêm mũi 2. Khoảng cách giữa 2 mũi đã quá 3 tháng đối với vaccine AstraZeneca.
Bên cạnh đó, đối với những trường hợp tiêm vaccine Moderna, hay Pfizer hiện nay cũng đang lo ngại liệu có kịp tiêm mũi 2 không khi khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của 2 loại vaccine này rất ngắn, trong khi số lượng vaccine về Việt Nam lại chưa nhiều.
Nhiều câu hỏi được đặt ra rằng trong trường hợp này thì có phải tiêm lại mũi 1 hay không? Việc tiêm mũi 2 không đúng khoảng cách thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất liệu có ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của vaccine hay không?
Chia sẻ về thời gian và khoảng cách giữa các mũi tiêm, PGS-TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: Theo quy định, hầu hết vaccine phòng COVID-19 đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa 2 liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Trong đó, vaccine COVID-19 của AstraZeneca thời gian tiêm mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần. Tuy nhiên, trong trường hợp thời gian tiêm chậm hơn 12 tuần thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu.
Theo nghiên cứu, với vaccine của AstraZeneca, mũi thứ 2 tiêm sau 12 tuần đôi khi miễn dịch còn tốt hơn là tiêm trước đó. Tuy nhiên, không vì thế mà trong bối cảnh dịch bệnh lại không cho những người đã tiêm mũi 1 được tiêm sớm và tiêm đúng lịch, bởi sẽ không đủ sức đề kháng, đủ miễn dịch để bảo vệ.
Về vấn đề tác dụng của vaccine COVID-19 có còn hiệu quả khi đã quá thời hạn tiêm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, PGS Hồng cho biết: Kể cả khi mũi 2 của AstraZeneca được tiêm chậm hơn 12 tuần cũng sẽ không ảnh hưởng hiệu lực của vaccine. Đến nay, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu.
"Tuy nhiên, trong trường hợp bị tiêm chậm mũi 2, các cá nhân, đơn vị cần khẩn trương làm liên hệ, làm công văn đề nghị tiêm mũi 2 gửi đến các đơn vị đã thực hiện tiêm mũi 1 trước đó để nhanh chóng thực hiện tiêm mũi 2. Đơn vị tiêm chủng cần cố gắng sắp xếp thời gian tiêm sớm nhất cho những trường hợp này"- PGS Hồng khuyến cáo.
PGS Hồng cho hay hiện Bộ Y tế đang yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 cho những người đã tiêm mũi 1 theo đủ thời gian như khuyến cáo của WHO và nhà sản xuất, để đủ sức đề kháng và đủ miễn dịch bảo vệ cơ thể.
Không kịp tiêm mũi 2 thì vaccine vẫn có hiệu quả
Bác sĩ Đinh Văn Thới - Viện Pasteur TPHCM - cho biết theo khuyến cáo đến ngày tiêm vaccine liều 2 người dân nên đi tiêm đúng thời hạn, tiêm càng sớm càng tốt.
Theo bác sĩ Thời, đơn cử như khi đã tiêm liều 1 của vaccine của Moderna có thời hạn tiêm mũi 2 cách nhau 1 tháng, nhưng nếu người tiêm không kịp tiêm thì vaccine vẫn có hiệu quả. Tuy nhiên, càng tiêm sớm càng tốt.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết vaccine ngừa COVID-19 đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa 2 liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Tuy nhiên, trong trường hợp thời gian tiêm chậm hơn so với quy định của Bộ Y tế thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu.
Về thông tin cho rằng phải tiêm nhắc lại các mũi vaccine COVID-19 sau 6 tháng tiêm 2 mũi đầu, PGS Dương Thị Hồng cho rằng đến nay, Tổ chức Y tế thế giới chưa có khuyến cáo chính thức. Nếu có bất kỳ khuyến nghị mới về vaccine, văn phòng Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia sẽ chia sẻ ngay tới người dân.
Theo Bộ Y tế, trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể kết hợp bằng cách tiêm mũi 2 Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8- 12 tuần).
Những người đã tiêm mũi thứ 1 là vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa hai mũi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nguồn: laodong.vn.