Nhiều người cho rằng sau khi hiến máu, cơ thể sẽ hấp thụ tốt hơn từ đó dễ tăng cân. Liệu điều đó có phải sự thật?
Hiến máu nhân đạo lâu nay đã trở thành hoạt động mang nhiều ý nghĩa, giúp ích cho xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, rất nhiều người nghi ngờ hiến máu có thể dẫn đến tăng cân do cơ thể hấp thụ dinh dưỡng nhiều hơn.
Hiến máu không làm tăng cân hay ảnh hưởng tới sức khỏe
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho biết: "Đời sống hồng cầu thông thường chỉ kéo dài trong vòng 120 ngày. Bởi vậy, dù trong trường hợp không hiến máu, các tế bào hồng cầu cũng sẽ chết sau 120 ngày. Cơ thể sẽ liên tục sản sinh các tế bào hồng cầu mới và bù đắp lại".
Bởi vậy, bác sĩ này cho rằng sau khi hiến máu, cơ thể chỉ kích thích chuyển hóa ở ngưỡng vừa đủ để gia tăng số lượng hồng cầu mất đi, không thể nhanh chóng làm tăng cân như những thông tin được truyền miệng.
Hiến máu không khiến chúng ta dễ dàng tăng cân nếu vẫn duy trì chế độ ăn hợp lý. Ảnh: Verywell Fit.
Đồng ý với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh (khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc) giải thích: "Đối với các trường hợp sau khi hiến máu, cơ thể sẽ phát sinh cơ chế tăng sinh hồng cầu, bù đắp lại lượng máu đã hiến nhanh chóng".
Cụ thể, theo bác sĩ Hạnh, mỗi ngày cơ thể luôn có một lượng hồng cầu già, tự đào thải và được thay thế bởi các hồng cầu mới đầy đủ chất hơn, tốt hơn.
Khi hiến, lượng máu đang hoạt động tốt được gửi ra để dành tặng người khác. Lúc này, cơ thể sẽ tự động nhận biết vừa có một lượng hồng cầu chết đi, từ đó kích thích sản sinh thêm hồng cầu để duy trì hoạt động bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh cho biết hoạt động hiến máu dưới 9 ml/kg trọng lượng cơ thể hoàn toàn không ảnh hưởng đến các chức năng của con người. Thực tế, ngưỡng lấy máu tại Việt Nam cũng như thế giới hiện nay là 250-350 ml. Đối với người có cân nặng trung bình từ 40 kg trở lên, lượng máu này đều nằm trong mức an toàn.
Hầu hết, sau khi hiến máu, chúng ta sẽ có suy nghĩ bổ sung năng lượng để bù cho lượng máu đã mất và có xu hướng nghỉ ngơi nhiều hơn giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Tâm lý này khiến một số người tăng cân sau khi hiến máu vài ngày.
Ngoài ra, cơ chế tăng sinh sẽ kích thích việc ăn uống và mang lại cảm giác ngon miệng hơn. Tuy nhiên, nếu giữ thói quen ăn uống, sinh hoạt bình thường, cân nặng của chúng ta sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Lý do là hiện tượng tăng cân chỉ xảy ra trong trường hợp năng lượng nạp vào từ ăn uống nhiều hơn năng lượng tiêu hao khi tập luyện, hoạt động thể lực.
Ngoài ra, một số người còn lo ngại về các bệnh lý lây qua đường máu trong quá trình hiến. Theo bác sĩ Hạnh, trước khi hiến máu, các bệnh viện luôn có xét nghiệm sàng lọc để hạn chế vấn đề này. Đồng thời, kim lấy máu cũng như các thiết bị được sử dụng đều phải sát khuẩn toàn bộ nên mức độ an toàn là rất cao và không ảnh hưởng tới sức khỏe người hiến.
Bác sĩ này chia sẻ: "Ban đầu, quá trình kiểm tra sẽ được diễn ra rất nhanh để xác nhận viêm gan hay HIV. Sau đó, chúng sẽ được sàng lọc kỹ hơn và xét nghiệm lại để xác định đầy đủ các bệnh lý lây qua đường máu. Nếu có bất cứ vấn đề nào, đơn vị máu này sẽ không được sử dụng".
Những lưu ý sau khi hiến máu
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh khuyến cáo người hiến máu nên dành thời gian nghỉ ngơi và chú ý ăn uống điều độ, khoa học. Họ nên bổ sung thêm một số vi lượng từ thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sắt, để kích thích quá trình sinh hồng cầu.
Các ống kim lấy máu đường kính to có thể khiến vị trí cắm bị tổn thương nếu vận động mạnh. Ảnh: Futurity.
Ngoài ra, người hiến nên lưu ý tránh vận động quá mạnh hay tập luyện thể thao cường độ cao trong khoảng 3 ngày đầu tiên sau khi hiến máu, nhất là đối với bên tay cắm kim. Nguyên nhân là hầu hết việc lấy máu đều đang được thực hiện thông qua các ống kim có đường kính khá lớn. Việc làm này giúp các bác sĩ tránh tình trạng vỡ hồng cầu trên đường máu ra ngoài. Do vậy, vị trí cắm ống kim rất dễ bị tổn thương nếu vận động quá mạnh trong những ngày đầu.
Nguồn: zing.vn.