Sau khi hàng loạt loại thuốc có nguyên liệu chứa tạp chất gây ung thư từ Trung Quốc bị thu hồi trên thị trường, thông tin về vụ bê bối vắc-xin giả của nước này mới đây càng khiến dư luận hoang mang.
Bộ Y tế vừa tiến hành kiểm tra, rà soát việc cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu đối với vắc-xin "3 trong 1" DPT phòng ngừa 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và khẳng định vắc-xin của công ty ở Trung Quốc (TQ) này chưa được bộ cấp đăng ký lưu hành tại Việt Nam. "Người dân có thể yên tâm vì chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và vắc-xin trong tiêm chủng dịch vụ đều không có 2 loại vắc-xin của TQ" - đại diện Bộ Y tế cho biết.
Liên quan đến hàng chục loại thuốc trị tim mạch, huyết áp của Việt Nam đang bị thu hồi do sử dụng nguyên liệu chứa tạp chất gây ung thư nhập từ TQ, Bộ Y tế cũng cho biết đang yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương thu hồi. Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cục đã thông báo đình chỉ lưu hành tất cả loại thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical - TQ. Tạp chất này tuy không tác hại tức thời nhưng có thể gây ung thư khi dùng thời gian dài.
Thuốc chứa Valsartan có tạp chất gây ung thư đã được các bệnh viện thu hồi
Theo giới chuyên môn, Valsartan là hoạt chất khá phổ biến được dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp và suy tim, ngăn ngừa đột quỵ cho người cao tuổi, nhồi máu cơ tim và các vấn đề về thận. Valsartan làm giảm tỉ lệ tử vong do tim mạch đối với bệnh nhân suy chức năng tâm thất trái sau nhồi máu cơ tim và điều trị suy tim. Thuốc này còn giúp bảo vệ thận khỏi tổn thương do bệnh tiểu đường nên được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, trong số 111 thuốc chứa hoạt chất Valsartan được bộ cấp phép lưu hành, 23 loại dùng nguyên liệu của TQ thuộc diện phải thu hồi. Với 88 loại đang lưu hành còn lại, người bệnh không lo thiếu thuốc điều trị.
Theo ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế Hà Nội, qua rà soát danh mục cho thấy Hà Nội có 4 bệnh viện (BV) và 3 công ty trúng thầu một số thuốc chứa Valsartan thuộc diện bị thu hồi. BV Thanh Nhàn đã trả lại cho nhà cung ứng gần 2.000 viên thuốc, BV Đa khoa huyện Quốc Oai chưa nhập thuốc, còn BV Đa khoa Đống Đa và BV Đa khoa Hà Đông đã cấp phát hết số thuốc đã nhập. Các công ty phân phối thuốc cũng đã thu hồi khoảng 136.000 viên thuốc trên địa bàn Hà Nội.
Đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco cho biết ngay khi nhận được yêu cầu đã thông báo tới khách hàng và tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm mà đơn vị sản xuất từ nguyên liệu Valsartan. Đại diện Công ty CP Dược phẩm Cửu Long cũng khẳng định đã ngừng ngay việc sử dụng nguyên liệu này để sản xuất thuốc.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Quản lý dược đã thu hồi hàng chục loại thuốc giả, thuốc không đạt yêu cầu về chất lượng và tháng nào cũng thông báo về việc thu hồi thuốc. Các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng rất đa dạng, gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập, phổ biến nhất là kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, thuốc đau dạ dày, tim mạch, các loại vitamin...
Theo đại diện Bộ Y tế, quy trình thu hồi thuốc ở Việt Nam tương đồng với nhiều nước. Trong quy trình này, các sở y tế có trách nhiệm thông báo để cơ sở kinh doanh, sử dụng biết và tiến hành thu hồi, hoàn trả thuốc về nhà cung ứng, kiểm tra, giám sát việc thu hồi, lưu hành thuốc bị thu hồi trên địa bàn. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải ngừng phân phối và trong thời gian không quá 5 ngày phải thông báo thu hồi đến tất cả cơ sở phân phối, đơn vị sử dụng đã mua thuốc, đồng thời báo cáo về cơ quan quản lý trong vòng từ 3 đến 30 ngày.
Quy định về thu hồi thuốc và xử lý thuốc vi phạm tuy khá chặt chẽ nhưng nhiều người lo ngại các loại thuốc thuộc diện thu hồi có thể đã được người bán hoặc người mua sử dụng mà không biết. Đó là chưa kể nhiều nơi vì lợi nhuận đã cố tình "lờ" đi thông báo thu hồi, vẫn bán thuốc kém chất lượng. Theo các chuyên gia, với vài bệnh lý thông thường, nếu trót uống phải thuốc kém chất lượng cũng không bị ảnh hưởng nhiều nhưng với bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp... phải dùng hằng ngày thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Khó phát hiện tạp chất gây ung thư
Trước sự cố hoạt chất trị bệnh tim mạch, huyết áp chứa tạp chất gây ung thư bị phát hiện, dư luận đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không phát hiện tạp chất này trước khi lưu hành thuốc. Theo giới chuyên môn, có những tạp chất không phải hệ thống nào cũng có thể phát hiện được trong quá trình xét nghiệm.
"Với Valsartan có chứa chất gây ung thư, không phải do các nước châu Âu mà là công ty sản xuất hoạt chất này từ TQ phát hiện và họ thông báo tới khách hàng để ngưng sử dụng. Hệ thống kiểm nghiệm ở nước ta không thể kiểm nghiệm được chất này. Để xác định được độc chất này gây nguy hiểm tới đâu thì cần kiểm nghiệm về thành phần. Hiện chỉ có thông tin cảnh báo, người bệnh không nên quá hoang mang" - chuyên gia này khuyến cáo.
Bài và ảnh: Ngọc Dung nld.com.vn