Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, tổn thương thận hoặc đột quỵ nếu không được kiểm soát.
Glucose, hay còn gọi là đường trong máu, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể con người. Nó được hấp thụ từ thực phẩm mà bạn ăn. Hormone insulin giúp các tế bào của cơ thể chuyển hóa glucose thành năng lượng.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, tuyến tụy sản xuất ít insulin hoặc không sản xuất được. Insulin không được sử dụng hiệu quả khiến lượng đường huyết tăng lên. Trong khi đó, các tế bào của cơ thể lại thiếu năng lượng cần thiết. Điều này có thể dẫn đến một loạt các vấn đề ảnh hưởng hầu hết hệ thống chính của cơ thể.
Hệ thống tiêu hóa
Theo Healthline, nếu tuyến tụy sản xuất ít hoặc không có insulin, cơ thể sẽ sử dụng các hormone thay thế để chuyển hóa chất béo thành năng lượng. Điều này có thể tạo ra lượng hóa chất độc hại cao, bao gồm axit và các thể xeton. Chúng có thể gây ra nhiều triệu chứng như khát nước, tiểu nhiều, mệt mỏi, hơi thở có mùi. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị mất ý thức, thậm chí tử vong.
Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh bị tổn thương, làm cản trở khả năng di chuyển thức ăn từ dạ dày vào ruột non. Căn bệnh có thể gây buồn nôn, nôn, trào ngược axit, đầy hơi, đau bụng, sụt cân.
Bệnh tiểu đường không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Medtech.Tổn thương thận
Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng thận và ảnh hưởng đến khả năng lọc các chất thải ra khỏi máu. Nếu bác sĩ phát hiện lượng protein cao trong nước tiểu của người bệnh, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thận không hoạt động bình thường.
Bệnh thận liên quan tiểu đường không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Nếu bạn bị tiểu đường, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ để ngăn ngừa tổn thương thận không thể phục hồi hoặc suy thận.
Hệ thống tuần hoàn
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ cao huyết áp, gây áp lực lên tim. Khi bạn có lượng đường huyết cao, điều này góp phần gây tích tụ chất béo trong thành mạch máu. Theo thời gian, nó có thể hạn chế lưu lượng máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng mạch máu.
Máu lưu thông kém có thể ảnh hưởng bàn tay, chân, gây ra đau ở bắp chân trong khi đi bộ. Bàn chân có cảm giác lạnh và không thể cảm nhận nhiệt cũng là triệu chứng máu lưu thông kém do tiểu đường. Tình trạng này khiến bạn không nhận biết được các chấn thương hoặc nhiễm trùng.
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận (Mỹ), tình trạng này làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Ngoài việc theo dõi và kiểm soát đường huyết, thói quen ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ cao huyết áp và lượng cholesterol.
Hệ thống thần kinh trung ương
Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương các dây thần kinh trung ương. Điều này ảnh hưởng nhận thức của bạn về nhiệt độ, lạnh và đau. Nó cũng khiến bạn dễ bị thương hơn, đặc biệt khó cảm thấy đau.
Bệnh tiểu đường cũng có thể gây sưng, khiến mạch máu trong mắt rò rỉ. Tình trạng này gọi là bệnh võng mạc do tiểu đường, có thể ảnh hưởng thị lực, dẫn đến mù lòa. Các triệu chứng ban đầu về mắt có thể nhẹ, vì vậy, điều quan trọng là bạn phải đi khám nhãn khoa thường xuyên.
Bàn chân lạnh, đau là triệu chứng phổ biến của người mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: Washingtonpost.Làn da
Tiểu đường có thể ảnh hưởng đến làn da, gây thiếu độ ẩm, đặc biệt là chân khô và nứt nẻ. Do đó, sau khi tắm hoặc bơi lội, bạn hãy lau khô bàn chân, dùng thuốc mỡ hoặc kem dưỡng để giữ ẩm cho da.
Những người mắc bệnh tiểu đường cũng có thể dễ bị mụn, viêm nang lông, sưng tấy và nhiễm trùng móng tay. Các nếp gấp ẩm ướt trên da dễ bị nhiễm nấm candida hoặc nấm men, đặc biệt ở kẽ ngón tay, chân, háng, nách hoặc vùng trong miệng. Các triệu chứng bao gồm đỏ, phồng rộp và ngứa.
Bệnh tiểu đường có thể gây ra các mảng nâu trên da. Chứng xơ cứng ngón tay làm cho da dày lên, thường ở bàn tay, chân. Các triệu chứng này có thể biến mất khi bạn kiểm soát lượng đường trong máu ổn định.
Hệ thống sinh sản
Sự thay đổi hormone của phụ nữ mang thai có thể gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ, tăng nguy cơ cao huyết áp. Hai biến chứng cao huyết áp mà phụ nữ mang thai cần đề phòng là tiền sản giật và sản giật.
Trong hầu hết trường hợp, tiểu đường thai kỳ được kiểm soát và lượng đường huyết trở lại bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, khi bạn mắc tiểu đường thai kỳ, em bé có thể có trọng lượng lớn, khiến việc sinh con khó khăn hơn. Bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II trong vài năm sau khi sinh con.
Theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), nam giới mắc bệnh tiểu đường có chất lượng tinh trùng thấp và nguy cơ vô sinh cao hơn.
Theo Medical News Today, tổn thương liên quan bệnh tiểu đường đối với mạch máu và hệ thần kinh có thể tác động tiêu cực đến chức năng tình dục của nam giới. Đàn ông bị tiểu đường có nguy cơ rối loạn cương dương gấp 3 lần và sớm hơn 10-15 năm so với những người không mắc bệnh.
Nguồn: zing.vn.