Công nhân Công ty Mountech (100% vốn Cộng hòa Liên bang Đức) được thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 3 tháng lương
Qua khảo sát, không ít DN, đơn vị chỉ thưởng bằng hiện vật “cây nhà lá vườn”, thậm chí không có vì rất nhiều lý do. Một công ty điện máy tại quận 10, TP HCM có sáng kiến thưởng Tết cho nhân viên bằng các sản phẩm của công ty, ai thích gì cứ chọn. Anh Nguyễn Văn Tân, nhân viên tiếp thị tại công ty, rầu rĩ: “Cách thưởng này cũng hay, giúp công ty tăng doanh số nhưng lại khó cho người lao động vì chúng tôi cần tiền mặt để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống”. Nhưng xem ra anh Tân và các đồng nghiệp vẫn còn may mắn vì những sản phẩm điện máy dẫu sao cũng thiết thực cho gia đình, nhiều nơi có gì thưởng nấy làm người lao động chẳng biết giải quyết sao. Tiêu biểu như một cơ sở sản xuất rượu ở Hải Dương thưởng Tết cho người lao động mỗi năm 20 chai rượu nếp/người. Không thể ăn Tết chỉ với rượu, nhiều người mang rượu đi bán để lấy tiền mua thịt cá, rau, dưa về cho gia đình. Còn ở những DN tuyên bố “không có thưởng” thì xem như người lao động năm nay không có Tết. Khó mấy cũng nên thưởng Trong năm 2014, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất khó khăn nhưng nhiều DN vẫn cố gắng thưởng Tết chu đáo cho người lao động, xem như lời cảm ơn với những người cộng sự sau 1 năm làm việc hết mình vì DN. Công ty TNHH Mountech (100% vốn Cộng hòa Liên bang Đức) đã trả lương tháng 13 vào dịp Tết Dương lịch và sẽ thưởng thêm 2 tháng lương vào Tết Nguyên đán. Ông Trần Sỹ Trung, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Mountech, cho biết: “Thật ra năm nay, công ty gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn hàng ít, công nhân (CN) nghỉ chờ việc nhiều; tỉ giá đồng euro rớt trong khi hợp đồng đã ký cả năm. Ban đầu, ban giám đốc gợi ý là thưởng Tết thấp hơn năm trước nhưng sau khi cùng ban chấp hành CĐ bàn bạc, công ty đưa ra quyết định thưởng 3 tháng lương cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán để người lao động yên tâm”. Đền đáp lại điều này, từ đầu năm 2015, CĐ công ty đã đưa ra bài toán tăng năng suất, thay phấn vẽ bằng rập để giảm tối đa chi phí cho DN... Đặc trưng là ngành sản xuất và kinh doanh thực phẩm nên người lao động Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) làm việc đến tận tối 30 Tết. Bù lại, trong dịp Tết Ất Mùi, 4.000 lao động Vissan được thưởng rất khá với định mức 1.0 là 10 triệu đồng. Ông Phạm Thanh Giang, Chủ tịch CĐ công ty, cho hay: “Tết năm 2014, định mức thưởng của công ty 1.0 là 8 triệu đồng. So với năm ngoái, năm nay định mức tăng 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn tặng mỗi người lao động 5 phiếu mua hàng tại các cửa hàng của công ty, trị giá 500.000 đồng”. Tương tự, để tạo động lực cho CN, ban giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vianco (quận 5, TP HCM) đã thưởng lương tháng 13 cho người lao động vào dịp Tết Dương lịch. Còn Tết Nguyên đán, tùy vào kết quả bình bầu thi đua, mỗi người sẽ được thưởng 1 đến 3 tháng lương... Một cách tri ân người lao động Bà Huỳnh Thị Cẩm Lan, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tích Hanh (TP HCM), cho rằng việc thưởng Tết cho người lao động (dù luật không bắt buộc) là điều DN nên làm và hợp đạo lý. Sau 1 năm làm việc, dù DN trả lương cao cho người lao động thì đó cũng là cuộc “mua bán” sòng phẳng, tương xứng với công sức họ bỏ ra. Còn thưởng Tết lại khác, nó thể hiện thiện chí, sự tri ân của DN với sự đóng góp của người lao động. “Những năm gần đây, tuy việc sản xuất kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng Công ty TNHH Giày Tích Hanh vẫn tính toán việc trích lợi nhuận, thậm chí nếu không có lợi nhuận thì trích từ vốn để thưởng Tết cho CN với mức thưởng năm sau bằng hoặc cao hơn năm trước để khuyến khích CN cống hiến và gắn bó lâu dài với công ty” - bà Lan nói. Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM: Còn tùy thuộc vào chủ DN Do chế độ thưởng Tết hiện chưa được luật hóa nên việc thưởng hay không, nhiều hay ít đều phụ thuộc vào hảo tâm của người sử dụng lao động hoặc những thỏa thuận giữa chủ DN với người lao động. Dù vậy, thưởng Tết lâu nay vẫn được mặc nhiên coi như một tập quán để người sử dụng lao động bày tỏ sự cảm ơn đối với người lao động, những cộng sự đã cùng chung sức vượt qua khó khăn trong suốt 1 năm. Với quy định thưởng Tết căn cứ vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm, các chủ DN hoàn toàn nắm thế chủ động trong việc quyết định mức thưởng. Với cơ chế như hiện nay, người lao động không thể đòi hỏi sự minh bạch và công khai về tình hình tài chính. Do đó, họ không có căn cứ để đòi hỏi một mức thưởng Tết tương xứng. Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đạt Chí: Nên tính trong chi phí của DN Từ nhiều năm nay, thưởng Tết cho người lao động đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của Việt Nam. Dù thưởng cao hay thấp, tối thiểu DN phải dành một tháng lương thứ 13 cho người lao động. Bản thân người lao động cũng mặc định “cứ đến Tết là sẽ có thưởng”. Thậm chí, trong Luật Kế toán và các khoản tính thuế thu nhập DN đều có khoản chi phí lương tháng 13. Với mức thưởng Tết cụ thể, tùy theo tình hình hoạt động của từng DN. Chẳng hạn, ngoài lương tháng 13, các DN sẽ tính thưởng cho người lao động dựa vào kết quả kinh doanh, lợi nhuận nên chuyện có người được thưởng cả nửa tỉ đồng hoặc vài chục ngàn đồng không quá bất ngờ. Rất nhiều DN đã tính toán đưa phần thưởng tháng 13 vào chi phí hoạt động của DN. Bà Lý Lệ Hà, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH may Việt Sang (quận Gò Vấp, TP HCM): Nên luật hóa thưởng Tết Hầu hết CN tại công ty chúng tôi là lao động nhập cư, xa gia đình. Những ngày Tết luôn nhắc nhở họ hướng về gia đình, quê hương song mỗi lần về quê ăn Tết lại phát sinh một khoản chi phí lớn như tàu xe, quà cáp... trong khi với mức thu nhập hiện nay thì khả năng tích lũy của CN không nhiều. Với họ, thưởng Tết được xem là khoản chi phí trọng yếu trong mùa Tết. Thực tế cho thấy các DN tuyên bố không thưởng Tết thường gây hoang mang, bức xúc cho người lao động, thậm chí phát sinh tranh chấp lao động tập thể. Vì vậy, thưởng Tết là một trong những yếu tố để tạo mối quan hệ lao động hài hòa; đồng thời tạo môi trường làm việc hăng say, hiệu quả... Hy vọng rằng thưởng Tết sẽ sớm được đưa vào luật để người lao động yên tâm và cống hiến hết mình khi vào làm việc tại bất kỳ DN nào. Chị Võ Thị Tuyết Khoa, CN Công ty Upgain Việt Nam - KCX Linh Trung: Tôi rất vui... Với mức thu nhập hiện nay của CN, nhất là người đã có gia đình, sau khi trừ hết các khoản chi tiêu trong tháng thì cũng không còn dư được là bao. Vì vậy, sau 1 năm làm việc vất vả, Tết đến, CN nào cũng mong được thưởng Tết để có tiền trang trải các chi phí phát sinh. Đồng thời, từ khoản thưởng Tết, người lao động cũng biết được công ty vẫn luôn quan tâm đến đời sống và coi trọng công sức, đóng góp của mình... Tôi rất vui vì công ty tôi năm nào cũng có thưởng Tết nhưng đôi lúc đọc báo vẫn thấy tin tức về việc DN nợ lương, thưởng Tết khiến CN khốn đốn. Nếu thưởng Tết được đưa vào luật thì quá tốt!Theo Hồng Đào (Người lao động)