Theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng, rửa vùng kín bằng chè xanh, trầu không rất tốt, vừa có thể làm sạch vừa giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp xảy ra trái ngược lẫn nhau khi vệ sinh vùng kín bằng 2 loại lá nổi tiếng này. Có người thì sạch sẽ, thoải mái, hết ngứa, người lại bị viêm nhiễm nặng hơn. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?
Sai lầm kinh điển khi vệ sinh vùng kín bằng nước lá
Nhiều người vẫn hay áp dụng triệt để suy nghĩ "một mặt". Tức là, thứ gì tốt là tốt mà thứ gì xấu là xấu. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Thứ gì cũng có hai mặt của nó và chúng ta phải biết chừng mực để tránh những tác dụng phụ không đáng có.
Bà chị tôi vốn cuồng lá trầu không, vì sau khi sinh cứ hay bị ngứa, dùng cách gì cũng không hết, đến khi rửa vùng kín hằng ngày bằng lá trầu không thì khỏi. Từ đấy đến tận bây giờ, gặp chị em nào than thở, chị tôi chỉ ngay cách rửa vùng kín bằng nước lá trầu không. Và không bao giờ quên kèm theo một câu nhắc nhở: Đừng có tham mà ngâm lâu quá, viêm đấy!
Chuyện là, lúc mới làm quen với việc rửa bằng lá trầu không thì đỡ ngứa nhưng không hết hẳn. Lúc ngâm thì rất thoải mái, nhưng sau khi lau khô thì lại ngứa. Khi đến phòng khám phụ khoa, chị tá hỏa khi được bác sĩ bảo rằng, nguyên nhân chị bị ngứa dai dẳng là do đã ngâm trong nước lá trầu không quá lâu.
Hướng dẫn vệ sinh vùng kín bằng lá đúng cách
Bí kíp của bà chị tôi thật ra cũng rất dễ, bạn gái nào cũng áp dụng được. Đầu tiên là đun lá với nước nóng, khi nào nước còn âm ấm thì lấy để vệ sinh. Ngày nào dùng hết ngày đó, không để qua đêm. Lưu ý chỉ rửa bên ngoài, không nên ngâm lâu vì có thể làm cho các vi khuẩn di chuyển ngược vào trong âm đạo, ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản, gây nấm, viêm nhiễm... nặng hơn.
Những lưu ý khi rửa vùng kín bằng trầu không, chè xanh
+ Lựa chọn lá sạch, không có thuốc trừ sâu, không nhiễm hóa chất.
+ Rửa sạch lá trước khi đun và vệ sinh.
+ Không để nước lá qua đêm.
+ Tốt nhất nên vệ sinh lúc nước đang ấm.
+ Không ngâm trong nước lá.