Nhưng nghĩ nát óc bao đêm mà vợ chồng cô vẫn không thể tìm ra cách giải quyết. Chả lẽ lại đi vay nợ để phụng dưỡng bố mẹ chồng?
Ngày Thùy về ra mắt nhà Quang, bố mẹ Quang đã bóng gió về việc ông bà chỉ có mình Quang là con trai, chị em gái đều lập gia đình rồi, có bao nhiêu đều dồn hết cho Quang ăn học và xin việc ở một cơ quan nhà nước, vì thế tương lai sau này của ông bà đều sẽ dựa vào vợ chồng Quang. Thùy nghe cũng không tỏ vẻ gì. Việc con trai và con dâu phải chăm nom bố mẹ chồng cũng là điều bình thường, cũng không để tâm tới điều đó nữa.
Vợ chồng Thùy đều làm việc trên thành phố, còn bố mẹ 2 bên đều ở quê. Nói thật, vì bố mẹ 2 bên đều nghèo nên cũng chẳng cho được vợ chồng cô gì nhiều. Bố mẹ Quang nuôi anh ăn học và xin việc xong còn nợ 1 khoản, cũng là Quang trong những năm qua tiết kiệm tích góp trả nợ mới xong. Lương 2 người tính ra cũng chỉ đủ ăn và chi tiêu sinh hoạt cho 1 gia đình 3 người với mức đắt đỏ ở thành phố, cũng chẳng dư dả gì. Cảnh thuê trọ cũng là không biết bao giờ mới có thể thay đổi được.
Ảnh minh họa
Cưới được 2 tháng thì tối đó, mẹ chồng ở quê gọi điện lên cho vợ chồng Thùy, sau khi hỏi han vài vấn đề vô thưởng vô phạt thì bà đi vào chủ đề chính: “Thế là cuối cùng đứa con trai mẹ khổ công nuôi lớn thành tài giờ đã thành gia lập thất, công danh sự nghiệp ổn định rồi, mẹ có thể yên tâm nghỉ ngơi hưởng phúc rồi. Từ tháng sau, mỗi tháng con gửi về cho bố mẹ 3 triệu/ tháng nhé, mẹ tính sơ sơ chi tiêu của 2 ông bà già cũng mất từng ấy, có gì phát sinh thì mẹ gọi con sau, như thế cũng là tiết kiệm rồi đấy con ạ!”.
Thùy ở bên cạnh nghe tiếng mẹ chồng sang sảng trong điện thoại của Quang đang vọng ra thì hoảng hốt. Lát sau Quang cúp điện thoại, biết vợ đã nghe được thì lúng túng ra mặt, nhưng lí lẽ của mẹ Quang cũng hợp lí ra trò. Bà mang nặng đẻ đau ra anh, gian lao nuôi anh hơn 20 năm, cho anh ăn học, chạy vạy xin việc cho anh, mồ hôi công sức và tiền bạc, kể sao thấu? Giờ anh ổn thỏa rồi, ông bà chỉ mong anh quay lại phụng dưỡng cho ông bà đỡ phải vất vả tuổi già còn phải lo kiếm ăn, cũng là để ông bà mở mày mở mặt với bà con láng giềng khi có người con giỏi giang, thành đạt. Con cái nuôi dưỡng bố mẹ, có gì là sai! 3 triệu cũng nào phải lớn, có phải 30 triệu đâu mà!
Thùy nghe mà choáng váng cả đầu óc. Đúng là 3 triệu nào phải lớn. Nhưng nó chỉ là nhỏ khi lương của Quang phải thế nào chứ, còn nó đã chiếm tận 2/3 lương của anh, thì nó đã trở thành một khoản lớn rồi đấy! Lương nhà nước, có nhiều nhặn gì cho cam. Nếu Quang đều đặn hàng tháng gửi tiền về cho bố mẹ thì nghĩa là khoản lương của Quang cũng chẳng giúp được gì cho gia đình nhỏ của anh, vì còn tiêu vặt, xã giao, đủ thứ chi tiêu khác. Vị chi ăn tiêu sinh hoạt, tiền nhà các thứ đều phải trông đợi một mình Thùy? Mỗi tháng 3 triệu, chưa tính khoản phát sinh, chưa tính lễ tết, vợ chồng cô liệu có kham nổi không đây?
Thực ra thì cũng được thôi, nhưng sao cô cứ cảm thấy không cam tâm chút nào. Thà rằng bố mẹ Quang ốm yếu, không có sức khỏe đã đành, đây ông bà mới ngoài 50, vẫn khỏe mạnh. Nhưng đã nghĩ ở vậy để chờ con trai gửi tiền về nuôi. Nếu vợ chồng cô có điều kiện, cô tiếc gì với chính bố mẹ Quang, nhưng hoàn cảnh của vợ chồng cô, ông bà có lẽ cũng thừa biết ấy chứ. Thêm nữa, nếu cái tình trạng này, thì chắc Thùy chả dám sinh con mất. Vì còn tiền đâu mà nuôi con? Lương thì chẳng thể trong 1,2 năm mà tăng vọt lên được!
Nghĩ vậy nhưng Thùy vẫn không tỏ vẻ từ chối quyết liệt. Vì thế, từ tháng sau đó, Quang đều trích lương của mình gửi về cho bố mẹ 3 triệu, còn lại anh giữ lại chi tiêu, thi thoảng mới đưa cho vợ được vài trăm cũng là nhiều lắm rồi. 4 tháng sau nữa, Thùy có thai. Nỗi lo lắng trong lòng cô chỉ có tăng thêm chứ không giảm bớt. Chia sẻ với chồng thì anh cũng đành thở dài, chứ chưa đưa được ra phương án nào giải quyết.
Thai lớn một chút, đi siêu âm biết mình mang thai đôi thì Thùy thật sự hoảng hốt vô cùng. Vui thì cũng vui, mà lo lắng và sợ hãi thì nhiều hơn gấp bội. Cô về bàn với chồng, để Quang thử thương lượng với bố mẹ chồng, xin cho bố chồng một công việc bảo vệ không vất vả, để mẹ chồng chăn nuôi, làm vườn tược thêm, mục đích là không cần vợ chồng cô chu cấp nữa. Chứ nếu không thì các con cô sau này lấy gì mà ăn? Một đứa chẳng nói, giờ lại hẳn 2 đứa sinh đôi!
Nhưng khi Quang gọi về cho bố mẹ ở quê thì ông bà vẫn nhất quyết muốn các con mình báo hiếu, còn lại chẳng quan tâm đến những lí lẽ mà anh trình bày. “Đúng là cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày! Biết như này, thà rằng tao chẳng đẻ con ra cho xong!” - mẹ chồng Thùy chốt hạ một câu rồi giận dữ cúp máy. Vợ chồng Thùy nhìn nhau cười như mếu.
Bố mẹ Thùy bên kia còn hơn ông bà vài tuổi, nhưng vẫn làm ruộng vườn, chăn nuôi rồi buôn bán thêm để tự lo cho mình, không phải phiền đến con cái, ít nhất là tới lúc nào mình không thể làm nổi nữa mới thôi. Các con cũng vừa mới lập gia đình thôi, còn bao điều phải lo, còn nuôi con nhỏ, ít phiền đến con cái lúc nào tốt lúc ấy. Thêm vài năm nữa, chúng nó ổn định cuộc sống, có điều kiện hơn thì lúc ấy báo hiếu cũng chưa muộn cơ mà. Giá như bố mẹ Quang cũng nghĩ được như vậy thì tốt biết bao nhiêu.
Nhưng nói giá như cũng chẳng để làm gì, quan trọng là giải quyết nan đề trước mắt đây này! Lương của cô làm sao mà gánh được cả gia đình lại thêm 2 con nhỏ nữa! Ít nữa sinh còn phải thuê người, vì hẳn mẹ chồng muốn nghỉ ngơi an hưởng tuổi già rồi, sẽ không lên trông giúp 2 đứa song sinh phiền phức nhà cô đâu! Nhưng nghĩ nát óc bao đêm mà vợ chồng cô vẫn không thể tìm ra cách giải quyết. Chả lẽ lại đi vay nợ để phụng dưỡng bố mẹ chồng?
Nguồn: gia dinh